MIỄN DỊCH

Thứ 3 ngày 07 tháng 04 năm 2020Lượt xem: 15365

Ăn nhiều muối làm suy giảm hệ thống miễn dịch - ngăn cản cơ chế tấn công virus, vi khuẩn.

 

Phát hiện mới mang tính cảnh báo của các nhà khoa học Đức hứa hẹn sẽ giúp mọi người nhận thức rõ hơn về tác hại của việc ăn quá mặn đối với sức khỏe và khả năng chống lại vi khuẩn và virus.

Chúng ta đều biết việc tiêu thụ quá nhiều muối có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của chúng ta. Ăn mặn làm tăng huyết áp và dẫn tới nguy cơ đột quỵ và bệnh tim mạch. Tuy nhiên một tác hại khác của việc ăn mặn đã được các nhà khoa học Đức phát hiện ra mới đây.

Theo Newatlas, các nhà khoa học tại Bệnh viện Đại học Bonn, Đức cho biết, họ đã tìm thấy bằng chứng cho thấy ăn mặn cũng tác động tới hệ thống miễn dịch. Đặc biệt việc chế độ ăn quá nhiều natri clorua sẽ làm suy yếu khả năng phòng vệ tự nhiên của cơ thể trước các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn.

Trước đây từng có nhiều nghiên cứu cho rằng, chế độ ăn nhiều muối có lợi cho sức khỏe của con người theo một số cách. Các nghiên cứu chỉ ra, một số bệnh nhiễm trùng da mau lành hơn ở động vật ăn một lượng muối lớn và các tế bào miễn dịch có tên khác là đại thực bào hoạt động mạnh hơn khi có muối, dẫn đến một số kết luận sai lầm rằng chế độ ăn nhiều natri clorua có thể làm tăng cường hệ thống miễn dịch.

Nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Đức cho thấy điều ngược lại

Katarzyna Jobin, tác giả chính của nghiên cứu nhấn mạnh: "Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy việc khái quát hóa trên là không chính xác".

Theo nhóm nghiên cứu, điều này là do cách phân phối muối trong cơ thể sau khi tiêu thụ và cơ chế kiểm soát nó. Da hoạt động như một hồ chứa muối khi hấp thụ natri clorua dư thừa và giữ nồng độ muối trong máu và các cơ quan luôn không đổi. Đó là lý do tại sao một số bệnh về da có thể mau lành nhờ khả năng hấp thụ natri clorua cao hơn.

Trong khi đó thận đóng vai trò quan trọng trong việc lọc lượng muối dư thừa và thải ra qua nước tiểu. Có thể ví thận như một bộ cảm biến có nhiệm vụ phát hiện lượng muối thừa trong cơ thể. Mặc dù vậy trong quá trình lọc muối, thận cũng vô tích tích tụ glucocorticoids (là một loại corticosteroid) trong cơ thể. Glucocorticoids giống như một chất kháng lại cơ chế phản hồi của hệ miễn dịch, ví dụ như gây viêm.

Do đó chất glucocorticoid thường được dùng trong y học để điều trị các bệnh do hệ miễn dịch phản ứng thái quá, ví như dị ứng, hen suyễn,…Nhưng tất nhiên glucocorticoids cũng có những tác dụng phụ khi ức chế hệ miễn dịch.

Vì vậy nếu cơ thể thu nạp quá nhiều muối và thận không thể thanh lọc được hết, glucocorticoid sẽ sản sinh quá mức và cản trở hoạt động của các tế bào miễn dịch quan trọng như bạch cầu hạt. Đây là một trong những "chiến binh" của hệ thống miễn dịch và đóng vai trò chống lại vi khuẩn, virus.

Nhóm nghiên cứu đã thử tìm hiểu trên cơ thể của động vật để hiểu sâu hơn tác động của muối với hệ miễn dịch. Cụ thể những con chuột ăn chế độ nhiều muối và bị nhiễm trùng đường tiết niệu có biểu hiện lâu phục hồi hơn. Trong một thí nghiệm khác, những con chuột ăn nhiều muối không thể chống lại vi khuẩn listeria và có biểu hiện sốt và nôn mửa.

Tiến sỹ Jobin giải thích: "Chúng tôi có thể thấy những phát hiện trên đã đúng ở những con chuột bị nhiễm khuẩn. Trước đây chúng tôi đã cho chúng ăn chế độ nhiều muối. Sau đó chúng tôi phát hiện trong lá lách và gan của những con chuột này có số mầm bệnh từ 100-1000".

Trong một thí nghiệm khác trên cơ thể người, các tình nguyện viên sẽ phải ăn chế độ nhiều muối (thêm 6 gram muối so với lượng ăn hàng ngày) và sau đó cung cấp mẫu máu phục vụ nghiên cứu. Cuối cùng nhóm khoa học phát hiện thấy chế độ ăn nhiều muối làm gia tăng glucocorticoid và dẫn tới khả năng chống lại vi khuẩn của bạch cầu hạt yếu đi rất nhiều.

Giáo sư, tiến sĩ Christian Kurts đến từ Viện miễn dịch thực nghiệm thuộc Đại hcoj Bonn giải thích: "Lần đầu tiên chúng tôi đã có thể chứng minh rằng việc ăn hoặc uống quá nhiều muối cũng làm suy yếu đáng kể một nhánh quan trọng của hệ thống miễn dịch".

Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Science Translational Medicine mới đây.

Science Translational Medicine, vnreview